ANH PHẠM VĂN TIẾN QUYẾT TÂM LÀM GIÀU BẰNG CHÍNH NGHỀ TRUYỀN THỐNG CỦA QUÊ HƯƠNG
Thanh Hóa: Làng rèn Tất Tác trường tồn cùng thời gian
Làng nghề - một mô hình kinh tế có từ lâu đời ở nước ta - là vốn quý giá của dân tộc, có những giá trị to lớn về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngày nay, giá trị to lớn và quý báu của làng nghề không chỉ thể hiện ở chỗ giải quyết việc làm ở nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội nông thôn, mà quan trọng hơn, cơ bản hơn, chính là các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.
Xứ Thanh là mảnh đất có bề dày về truyền thống lịch sử và văn hoá, xuyên suốt từ thuở các vua Hùng dựng nước cho tới thời đại Hồ Chí Minh. Ít có nơi nào như Thanh Hoá, vừa có đầy đủ các hình thái địa – văn hoá, vừa chứa đựng trong đó những thành tố văn hoá đa dạng, đặc sắc.
Từ thành phố Thanh Hóa theo QL1A đi về phía Bắc khoảng 20km, thuộc địa bàn huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, xã Tiến Lộc được biết đến là một xã đặc thù với nghề rèn truyền thống có từ lâu đời của huyện Hậu Lộc, từ xa xưa nổi tiếng với rất nhiều sản phẩm nổi tiếng như: dao, kéo, cày, bừa, cuốc, xẻng,… mà ít có vùng nào sánh được.
“Muốn ăn cơm trắng, cá thèn
Thì về quay bễ, đi rèn cùng anh”.
Câu ca quen thuộc mà mỗi khi nhắc đến, ai cũng nhớ đến làng rèn Tất Tác. Theo các cụ cao niên ở Tiến Lộc kể lại, xưa kia làng rèn Tiến Lộc được gọi là làng rèn Tất Tác, là tên chung của 3 làng là Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn, từ xa xưa đã nổi tiếng với nghề rèn vũ khí và nông cụ. Ngày nay xã đã được mở rộng với 5 thôn nhưng tên gọi Tất Tác vẫn được gìn giữ như 1 biểu trưng cho sự tồn tại bất biến của lịch sử làng trong đời sống cộng đồng.
Làng Tất Tác nằm dưới chân núi Bùi, nơi gắn với truyền thuyết về bầy phượng hoàng bỏ đi. Vùng đất này ngày xưa được xem là vùng đất trắng, nơi đất đai cằn cỗi, cỏ cây khó sinh sôi. Chính bởi ruộng ít người đông, nên cư dân tất tác đã li nông trên chính quê hương bằng nghề thủ công truyền thống.
Theo tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, có ông Lê Cao Sơn người đất Bắc di cư vào Thanh Hóa sinh sống, khi đến chân núi Bận, thuộc làng Tất Tác. Thấy dân cư nghèo khó, ông liền dạy cho người dân nơi đây nghề rèn, từ đó nghề rèn bắt đầu hình thành và bám rễ sâu trên mảnh đất này. Để tưởng nhớ công lao của ông, người dân nơi đây đã lập nơi thờ tự, thường xuyên nhang khói thành kính. Miếu thờ cụ Lê Cao Sơn, được xây dựng bên trong sân đình nằm giữa làng Ngọ, dân làng suy tôn ông là "Thánh tổ nghề rèn" nơi đây.
Nhiều thế kỷ trôi qua, làng Tất Tác xưa đã định hình và phát triển nghề rèn, trở thành một làng nghề nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh và có thể sánh ngang với làng rèn ở Đa Hội (Bắc Ninh) hay làng rèn Nho Lâm (Nghệ An).
Trải qua hàng trăm năm phát triển với những biến cố thăng trầm, nghề rèn Tiến Lộc vẫn đứng vững và ngày được phát triển. Hiện nay, nghề rèn cũng đã được phát triển rộng ra hai làng còn lại là làng Xuân Hội và làng Thị Trang, với 20 doanh nghiệp, trong đó có 5 doanh nghiệp trực tiếp làm nghề và hơn 1.500 hộ sản xuất, kinh doanh tham gia vào sản xuất nghề rèn truyền thống. Người dân làng Tất Tác không chỉ mở lò rèn tại quê nhà, mà còn đi khắp cả nước để làm nghề, lập nghiệp.
Là một thanh niên trẻ, song Anh Phạm Văn Tiến – Bí thư Đoàn thôn Ngọ, xã Tiến Lộc được biết đến là một cán bộ thôn, một thanh niên điển hình làm kinh tế tại địa phương.
Sinh ra và lớn lên tại làng nghề rèn hàng trăm năm tuổi, từ nhỏ anh Tiến đã được bám sát theo nghề và hiểu biết được những điểm mạnh và thế yếu trong nghề làm dao tại quê hương. Về mặt hạn chế của dao rèn của cha ông, toàn bộ oxy hóa và rỉ theo thời gian gây ra sự khó chịu cho người dùng.
Với mong muốn phát triển nghề truyền thống của cha ông, anh Tiến đã không ngừng nghiên cứu, học hỏi. Sau một thời gian đi khắp các tỉnh thành trong toàn quốc, nắm bắt đặc điểm sử dụng sản phẩm từng vùng miền, thấy được hạn chế dao rèn của cha ông, anh Tiến đã mạnh dạn đưa ra một ý tưởng đột phá đó là sản xuất dao rèn từ thép không rỉ.
Là ý tưởng mới, chính vì thế bước đầu bắt tay vào thực hiện, anh gặp rất nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở, nguồn vốn còn hạn hẹp. Song, vì nghị lực và ý chí không ngừng phát triển của tuổi trẻ, anh đã phát triển sản phẩm dao thép không rỉ rộng lớn, gây nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ trong xã có thêm việc làm.
Xưởng rèn Tấn Tài Lộc Tài của anh Tiến chủ yếu phát triển dao thép không rỉ với 2 cơ sở rộng 300m2/1 cơ sở và chuẩn bị xây dựng cơ sở 3 - 1000m2 để trưng bày và giới thiệu sản phẩm dao của làng nghề rèn. Về nhân lực có 20 người làm trực tiếp tại hai xưởng và 80 người được nhận sản phẩm về nhà gia công, tạo điều kiện cho hơn trăm lao động tại địa phương.
Nguyên liệu được anh Tiến đưa vào sử dụng tại xưởng được nhập ại các cơ sở trong xã bán sắt, thép, cán dao. Sản phẩm tạo ra vẫn giữ những nét thủ công của dao làng Rèn Tiến Lộc nhưng lại có thêm tính năng chống rỉ 96%, dùng sạch sẽ và vệ sinh trong gian bếp của mỗi nhà được thị trường đón nhận mạnh mẽ.
Sản phẩm của xưởng rèn Tấn Lộc Tài được bán trên thị trường Online và trên các sàn thương mại điện tử. Xuất hàng khắp 64 tỉnh thành và có 15 đại lý phân phối 15 tỉnh thành.
Với phương châm tuổi trẻ không được phép ngừng cố gắng trong lao động sản xuất để tạo ra nhiều sản phẩm tốt, đẹp để phục vụ mọi người trên khắp cả nước, anh Tiến đã và đang không ngừng cố gắng để đưa nghề truyền thống của cha ông vươn cao, vươn xa hơn nữa.
Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước bằng các cơ chế, chính sách phù hợp đối với các làng nghề truyền thống, đồng thời người thợ đã năng động hơn, du nhập các loại máy móc, công nghệ mới, không ngừng sáng tạo, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường. Do vậy, nghề rèn ở Tiến Lộc đã có sự phát triển khá mạnh mẽ.
Đặc biệt, Tiến Lộc đã được tỉnh đầu tư và quy hoạch làng nghề tập trung. Tuy số hộ mới chỉ chiếm một phần nhỏ so với tổng số hộ làm nghề trong xã, nhưng đã tạo bước đột phá quan trọng cho sự tồn tại và phát triển của làng nghề. Toàn xã hiện có 6 tổ hợp máy cán rút thép; 6 cơ sở sản xuất chế tạo các loại máy phục vụ nghề rèn, cơ khí và nông nghiệp; trên 23 xưởng sản xuất bánh lồng, cày bừa máy, bu lông, ốc vít; trên 50 đại lý cung cấp nguyên liệu than, sắt; trên 20 đại lý bao tiêu sản phẩm; hàng trăm xưởng lớn nhỏ sản xuất các loại cuốc, xẻng, dao, liềm...; trên 300 máy búa, trên 300 máy đột dập các loại, hàng chục máy tiện, phay, bào, hàng nghìn máy móc phổ thông phục vụ rèn, cơ khí khác...
Theo các thợ rèn tâm niên tại làng chia sẻ, để tạo ra một sản phẩm chất lượng, người thợ phải có tay nghề, kỹ thuật nhất là công đoạn tôi thép và làm nguội. Đầu tiên, những người thợ sẽ cắt các bản sắt thành hình dạng của sản phẩm, sau đó cho lên lò nung với nhiệt độ hơn 1.000 độ C. Tùy thuộc vào từng loại nguyên liệu thép và sản phẩm tạo ra dày mỏng, thời gian nung sẽ khác nhau. Khi phôi thép nung chuyển sang màu đỏ trắng là đến lúc đặt lên đe để quai búa tạo hình.
Nghề rèn của xã Tiến Lộc không chỉ dừng lại ở những công cụ truyền thống mà đã đang dạng sản phẩm, nhiều chủng loại, số lượng lên đến hàng nghìn loại, chất lượng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, đáp ứng nhu cầu mua bán của khách hàng. Từ việc chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan…
Không chỉ cung cấp ra thị trường những sản phẩm có chất lượng, nghề rèn còn tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình ở địa phương, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận tới đây làm việc. Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150-350 nghìn đồng/ngày tùy theo trình độ tay nghề, bậc thợ.
Đối với chủ thợ và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn từ 500 nghìn đến 1 triệu đồng/ngày. Năm 2020, tổng giá trị thu nhập từ sản xuất tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ đạt hơn 486 tỷ đồng, chiếm hơn 92% cơ cấu kinh tế của xã; thu nhập bình quân đầu người của toàn xã là 52,2 triệu đồng. Từ nghề rèn đã tạo thuận lợi cho dịch vụ, thương mại phát triển mạnh mẽ. Làng nghề là nơi trung tâm giao thương hàng hóa, nghề rèn Tiến Lộc bao đời nay vẫn được duy trì và phát triển tốt, tạo nên danh tiếng cho sản phẩm truyền thống.
Trước đây, tại làng rèn Tiến Lộc, chỉ chủ yếu người trung niên theo nghề, thanh niên trong làng đa số đi làm ăn xa. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, thanh niên theo nghề rền ngày càng nhiều và họ giữ lực lượng nòng cốt để lưu giữ nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều lao động tại địa phương.
Dù khó nhọc là thế, nhưng những người thợ ở Tiến Lộc đời này qua đời khác đều có ý thức phát triển nghề và giữ nghề của cha ông. Để nghề rèn truyền thống Tiến Lộc còn lưu truyền mãi đến mai sau, các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Hậu Lộc, Thanh Hoá đã không ngừng tạo điều kiện cho người dân vay vốn để mở rộng sản xuất và đầu tư máy móc thiết bị, tích cực vận động nhân dân thành lập các công ty, doanh nghiệp để hưởng lợi từ các dự án.
Tiếp tục mở rộng diện tích làng nghề đã có ở làng Ngọ, quy hoạch các làng nghề ở làng Bùi và làng Sơn để tạo diện tích thu hút các hộ làm nghề tham gia dự án sản xuất tập trung, kích cầu cho phát triển sản xuất lớn và đảm bảo về môi trường.
Vận động nhân dân đăng ký quỹ đất để thành lập các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực nghề truyền thống. Xây dựng khu chợ Sơn thành trung tâm thương mại bao gồm chợ, các ki-ốt tập trung, các cửa hàng, đại lý để thu hút giao thương.
Đồng thời, khuyến khích mở rộng các loại hình dịch vụ, thương mại trên toàn xã, dọc các trục đường chính, trung tâm các làng. Đồng thời chú trọng xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống.
Trải qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, chúng ta thấy rõ hơn giá trị, ý nghĩa nhân văn cao cả, nét đẹp ở mỗi làng nghề truyền thống được hình thành nên bởi lớp người đi trước và được giữ gìn, phát huy giá trị bởi thế hệ con cháu mai sau. Họ không chỉ là những nghệ nhân và thực sự đang là người giữ lửa cho mỗi làng nghề, bởi họ không làm chỉ vì lợi ích kinh tế, đôi khi chỉ là gìn giữ cho con cháu một cái nghề, gìn giữ một nét đặc trưng của quê hương. Ấy là điều quý nhất, đặc trưng nhất của người dân làng nghề xứ Thanh.
Từ những cống hiến không ngừng cho việc phát triển kinh tế địa phương, xưởng rèn Tấn Lộc Tài của anh Phạm Văn Tiến đã được đề cử vào danh sách công bố “The Best of Vietnam 2023” – thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ xuất sắc trên thị trường Việt Nam dưới góc nhìn của người tiêu dùng; cùng với đó, bộ sản phẩm Sao thép khong gỉ Tấn Lộc Tài đã đạt danh hiệu Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2023. Đặc biệt, với những cống hiến của mình, anh Tiến đã vinh dự được công nhận là Đoàn viên ưu tú phát triển kinh tế tại địa phương.
Ở làng rèn Tiến Lộc mọi người thường nói rằng, nghề rèn là nghề vất vả, cần sức lực và sự tỉ mỉ… Để làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn Tiến Lộc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ công đoạn ra phôi đến gia công trong lò. Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề vững và cái tâm với nghề mới cho ra được sản phẩm có chất lượng tốt nhất.